- Khái niệm trách nhiệm vật chất
Trách nhiệm vật chất trong luật lao động được hiểu là trách nhiệm pháp lý do người sử dụng lao động (NSDLĐ) áp dụng đối với người lao động (NLĐ) bằng cách bắt họ bồi thường những thiệt hại về tài sản do hành vi vi phạm kỷ luật gây ra.
Trách nhiệm vật chất là một trong những nội dung quan trọng cần phải được quy định rõ trong nội quy lao động, bởi vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi và nghĩa vụ của NSDLĐ và NLĐ, đồng thời để hạn chế thấp nhất những tranh chấp xảy ra trong trường hợp có căn cứ áp dụng trách nhiệm vật chất.
- Căn cứ áp dụng trách nhiệm vật chất
Căn cứ áp dụng trách nhiệm vật chất là những điều kiện cần và đủ để người sử dụng lao động quy trách nhiệm vật chất đối với người lao động gây thiệt hại. Việc áp dụng trách nhiệm vật chất chỉ được tiến hành khi có các căn cứ sau đây:
– Có hành vi vi phạm kỷ luật lao động
Kỷ luật lao động là những quy định về việc tuân theo thời gian, công nghệ và điều hành sản xuất, kinh doanh do người sử dụng lao động ban hành trong nội quy lao động và do pháp luật quy định.
Hành vi vi phạm kỷ luật lao động là hành vi không hoàn thành nghĩa vụ được giao hoặc thực hiện sai các nghĩa vụ đó và như vậy là vi phạm các quy định của pháp luật và nội quy lao động.
Ngoài ra hành vi vi phạm kỷ luật lao động còn được hiểu ở góc độ là người lao động không có trách nhiệm đầy đủ trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ lao động của mình dẫn đến thiệt hại về tài sản của người sử dụng lao động.
– Có thiệt hại về tài sản cho người sử dụng lao động
Thiệt hại là sự giảm bớt số lượng hoặc giá trị của tài sản của người sử dụng lao động. Xác định căn cứ này là việc tìm ra tài sản bị thiệt hại là tài sản gì, tài sản đó bị hư hỏng hay bị mất, số lượng và giá trị của sự thiệt hại là bao nhiêu.
– Có lỗi
Trong trường hợp này lỗi là thái độ tâm lý của người lao động với hành vi vi phạm kỷ luật lao động của mình gây thiệt hại về tài sản của người sử dụng lao động được biểu hiện dưới hình thức cố ý hoặc vô ý. Trách nhiệm vật chất chỉ áp dụng với lỗi vô ý, không áp dụng với lỗi cố ý. Nếu có lỗi, người gây thiệt hại mới phải bồi thường; không có lỗi mặc dù có đầy đủ 3 căn cứ còn lại thì cũng vẫn không đủ điều kiện để áp dụng chế độ trách nhiệm vật chất. Trong trường hợp có nhiều người có lỗi cùng gây ra một thiệt hại thì phải căn cứ vào nghĩa vụ lao động cụ thể của từng người và các điều kiện cụ thể của họ để xác định mức độ lỗi của cá nhân mỗi người một cách chính xác. Nếu chứng minh người lao động có lỗi cố ý sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
– Có quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại tài sản
Do hành vi vi phạm kỷ luật lao động của người lao động gây ra dẫn đến sự thiệt hại cho người sử dụng lao động.
Nếu giữa hành vi vi phạm kỷ luật lao động và thiệt hại tài sản xảy ra không có mối quan hệ nhân quả này thì người vi phạm không phải bồi thường.
- Nguyên nhân dẫn đến trách nhiệm vật chất
Trách nhiệm vật chất được áp dụng chủ yếu trong hai trường hợp người lao động mắc lỗi như sau:
Người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại về tài sản.
Người lao động làm mất dụng cụ, thiết, tài sản của người sử dụng lao động hoặc do người lao động giao hoặc tiêu hao vật tư quá định mức cho phép.
- Mức bồi thường, cách bồi thường và thủ tục xử lý
Trách nhiệm vật chất trong luật lao động khác thế nào so với trách nhiệm bồi thường dân sự?
Mức bồi thường trách nhiệm vật chất trong luật lao động thường “nhẹ” hơn so với trách nhiệm bồi thường dân sự. Bởi nếu bồi thường theo trách nhiệm dân sự thì người gây ra thiệt hại sẽ phải bồi thường cả thiệt hại trực tiếp và cả thiệt hại gián tiếp, còn khi người lao động phải chịu trách nhiệm vật chất thì chỉ phải bồi thường ở mức độ nhất định. Cụ thể tại khoản 1 Điều 129 Bộ luật lao động 2019 có quy định như sau: “Trường hợp người lao động gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại nơi người lao động làm việc thì người lao động phải bồi thường nhiều nhất là 03 tháng tiền lương và bị khấu trừ hằng tháng vào lương nhưng mức khấu trừ không được quá 30% tiền lương thực trả hằng tháng của người lao động sau khi trích nộp các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thu nhập cá nhân.
Việc xem xét, quyết định mức bồi thường thiệt hại phải căn cứ vào lỗi, mức thiệt hại thực tế và hoàn cảnh thực tế gia đình, nhân thân và tài sản của người sử dụng lao động.