Về nguyên tắc, Đương sự khi có yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp, tuy nhiên theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 91 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì:
Trường hợp Đương sự là người lao động trong vụ án lao động mà không cung cấp, giao nộp được cho Tòa án tài liệu, chứng cứ vì lý do tài liệu, chứng cứ đó đang do người sử dụng lao động quản lý, lưu giữ thì người sử dụng lao động có trách nhiệm cung cấp, giao nộp tài liệu, chứng cứ đó cho Tòa án.
Người lao động khởi kiện vụ án đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thuộc trường hợp người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc trường hợp không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động theo quy định của pháp luật về lao động thì nghĩa vụ chứng minh thuộc về người sử dụng lao động.
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 106 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, trong trương hợp Tòa án ra quyết định yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu giữ cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án thì cơ quan, tổ chức cá nhân phải cung cấp đủ tài liệu, chứng cứ trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu. Nếu hết thời hạn trên mà cơ quan, tổ chức, cá nhân không cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án mà không có lý do chính đáng thì có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy thuộc vào tính chất, mức độ vị phạm. Tuy nhiên việc xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân không phải là lý do miễn nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án.