Với câu cửa miệng "cả năm chỉ có một lần" nên cuối năm luôn là thời điểm người người, nhà nhà tận hưởng niềm vui tiệc tùng bất tận. Trong những cuộc vui đó không thể nào thiếu được "bia", "rượu". Do đó, để góp phần nâng cao ý thức của người dân và để hạn chế tình trạng người dân đã sử dụng bia, rượu mà vẫn lái xe thì những ngày qua cảnh sát giao thông ở các địa bàn tỉnh, thành phố trên cả nước đã tăng cường ra quân và mạnh tay xử phạt những trường hợp cố tình vi phạm.
Hiện nay, mức xử phạt về hành vi vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển ô tô, xe máy đã ở mức rất cao. Tuy nhiên, không ít người vẫn nghĩ rằng nếu đi xe máy có thể uống một chút mà không ảnh hưởng đến việc lái xe của mình. Đến khi bị CSGT kiểm tra, xử phạt mới tá hoả vì mức tiền phạt rất nặng, thậm chí bị tước cả GPLX.
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, hành vi điều khiển mô tô, xe máy (gồm cả xe máy điện) mà trong hơi thở hoặc máu có nồng độ cồn sẽ bị phạt tiền từ 2-8 triệu đồng. Ngoài ra còn bị tước GPLX từ 10-24 tháng.
Cụ thể, tại Điều 6 của Nghị định này quy định rõ 3 mức xử phạt như sau:
- Phạt tiền từ 2-3 triệu đồng đối với người điều khiển mô tô, xe máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở. Đồng thời, tước GPLX từ 10-12 tháng.
- Phạt tiền từ 4-5 triệu đồng đối với người điều khiển mô tô, xe máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. Đồng thời, tước GPLX từ 16-18 tháng.
- Phạt tiền từ 6-8 triệu đồng đối với người điều khiển mô tô, xe máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Đồng thời, tước GPLX từ 22-24 tháng.
Ngoài ra, nếu người điều khiển phương tiện không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ thì bị phạt tiền ở mức “kịch khung”, tức là phạt tiền đến 8 triệu, tước GPLX đến 24 tháng.
Do đó để không bị xử phạt về lỗi vi phạm này đồng thời để đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe cho chính mình, cho người thân và cho những người tham gia giao thông khác thì tuyệt đối người dân không nên lái xe khi đã uống rượu, bia, chất kích thích khác,...