Theo Khoản 1 Điều 2 Luật thuế bảo vệ môi trường 2010 quy định: Thuế bảo vệ môi trường là thuế gián thu, thu vào sản phẩm hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường.
Theo pháp luật về môi trường thì thuế bảo vệ môi trường được coi là một trong những hình thức của nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”. Theo đó, các chủ thể sử dụng các loại hàng hóa có hại cho môi trường, gây tác động xấu đến môi trường hay các chủ thể khai thác tài nguyên môi trường sẽ phải đóng một khoản phí tương xứng với các hành vi gây tác động đến môi trường của mình.
(Ảnh minh họa - Nguồn internet)
Những mặt hàng/sản phẩm chịu thuế bảo vệ môi trường
Nhóm 1: Xăng, dầu, mỡ nhờn, bao gồm:
a) Xăng, trừ etanol;
b) Nhiên liệu bay;
c) Dầu diezel
d) Dầu hỏa
đ) Dầu mazut;
e) Dầu nhờn,
g) Mỡ nhờn.
Nhóm 2: Than đá, bao gồm:
a) Than nâu;
b) Than an-tra-xít (antraxit);
c) Than mỡ;
d) Than đá khác
Nhóm 3: Dung dịch hydro-chloro-fluoro-carbon (Dung dịch HCFC)
Nhóm 4: Túi ni lông thuộc diện chịu thuế.
Nhóm 5: Thuốc diệt cỏ, thuốc bảo quản lâm sản, thuốc khử trùng kho, thuốc trừ mối thuộc loại hạn chế sử dụng.V
Đối tượng nộp thuế bảo vệ môi trường:
Người nộp thuế bảo vệ môi trường là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế. Theo quy định này, các tổ chức, cá nhân có hành vi sau đây sẽ trở thành người nộp thuế bảo vệ môi trường:
– Hành vi nhập khẩu hàng hóa thuộc diện chịu thuế bảo vệ môi trường.
– Hành vi sản xuất hàng hóa thuộc diện chịu thuế bảo vệ môi trường.