Theo quy định tại Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014: “1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.”
Về nguyên tắc, khi hôn nhân còn tồn tại thì tài sản chung giữa vợ và chồng vẫn tồn tại, chế độ tài sản này chỉ chấm dứt khi hôn nhân chấm dứt. Tuy nhiên, trong thực tế, pháp luật vẫn cho phép trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung. Lý do bởi vì vợ chồng trong khi chung sống có những mâu thuẫn về quản lý tài chính hoặc những lý do khác mà vợ chồng muốn chia tài sản chung.
– Theo quy định tại Điều 38 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì:
+ Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung, trừ trường hợp quy định tại Điều 42 của Luật này;
+ Nếu không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
– Về hình thức: Thỏa thuận về chia tài sản chung phải lập thành văn bản. Văn bản này được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật.
Như vậy, trong thời kỳ hôn nhân vợ chồng có thể thỏa thuận chia tài sản chung nhưng phải đảm bảo được lợi ích của gia đình; quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.Việc thỏa thuận chia tài sản chung không nhằm trốn tránh các nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 42 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.