Về nguyên tắc, cá nhân chết nhưng có tài sản sẽ áp dụng quy định của pháp luật thừa kế để giải quyết, cho dù người chết có năng lực hành vi dân sự hay mất năng lực hành vi dân sự.
Tuy nhiên, việc lập di chúc phải đáp ứng các điều kiện về chủ thể được lập di chúc theo quy định của pháp luật. Khoản 1 Điều 625 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định như sau:
"Điều 625. Người lập di chúc
1. Người thành niên có đủ điều kiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 630 của Bộ luật này có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình.
2. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi được lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc."
Như vậy, để đáp ứng điều kiện về chủ thể được lập di chúc, người lập di chúc phải là người thành niên. Tiếp đó, người thành niên trên phải đủ các điều kiện quy định tại điểm a khoản 1 Điều 630 Bộ luật dân sự 2015:
"Điều 630. Di chúc hợp pháp
1. Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;
b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật."
Như vậy, một trong những điều kiện để di chúc hợp pháp là người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc, không bị lừa đối, đe doạ, cưỡng ép. Điều này nhằm bảo đảm di chúc thể hiện đúng ý chí của người để lại di sản.
Qua các phân tích trên, nhận thấy nếu là người mất năng lực hành vi dân sự thì không được lập di chúc phân chia di sản thừa kế. Tuy nhiên, di sản của người mất năng lực hành vi dân sự vẫn được chia thừa kế theo pháp luật.