Ly hôn là viêc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
– Ly hôn theo yêu cầu của một bên là một hình thức ly hôn tương đối phổ biến khi đời sống quan hệ vợ chồng khó có thể tiếp tục duy trì. Khác với thuận tình ly hôn, ly hôn theo yêu cầu của một bên là trường hợp chỉ có một bên vợ hoặc chồng hoặc cha, mẹ, người thân thích của một trong hai bên thuộc trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình yêu cầu ly hôn. Ly hôn theo yêu cầu của một bên được quy định tại Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình như sau:
“1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.”
Như vậy, khi có yêu cầu ly hôn của một bên vợ hoặc chồng, Tòa án sẽ tiến hành điều tra và hòa giải. Nếu hòa giải không thành thì Tòa án sẽ xác định tình trạng hôn nhân có căn cứ để giải quyết cho ly hôn không.
– Hồ sơ xin ly hôn: hồ sơ có thể nộp trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện
+ Đơn xin ly hôn (theo mẫu/mẫu của Tòa án);
+ Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính);
+ Sổ hộ khẩu, Chứng minh nhân dân của vợ/chồng (bản sao chứng thực);
+ Giấy khai sinh của con (bản sao chứng thực);
+ Các tài liệu, chứng cứ khác chứng minh tài sản chung như: Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất (sổ đỏ); Đăng ký xe; sổ tiết kiệm… (bản sao chứng thực).